Danh mục Tư vấn

NHỮNG LỢI ÍCH KHI NUÔI CON BẰNG SỮA MẸ

NHỮNG LỢI ÍCH KHI NUÔI CON BẰNG SỮA MẸ
 
Tại sao nuôi con bằng sữa mẹ là lựa chọn tốt nhất dành cho bé?
Sữa mẹ là nguồn cung cấp dinh dưỡng tối ưu cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Nuôi con bằng sữa mẹ còn là một nhân tố quan trọng giúp bé yêu thông minh hơn, trong sữa mẹ có chứa hầu hết các chất đề kháng và dưỡng chất có thể đáp ứng đầy đủ nhu cầu của bé. Việc cho con bú sữa mẹ mang lại những lợi ích sức khỏe quan trọng đối với cả mẹ và bé. Do đó đã có rất nhiều bà mẹ lập ra hội nuôi con bằng sữa mẹ trên các trang mạng xã hội để hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm trong việc nuôi dạy con bằng nguồn dưỡng chất quý giá này.
 
1. Sữa mẹ được sản xuất đặc biệt dành riêng cho bé
Các cơ quan y tế khuyến cáo bà mẹ nên nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu. Để nuôi con bằng sữa mẹ đúng cách, bạn hãy tiếp tục cho bé bú sữa mẹ trong vòng ít nhất một năm trước khi con có thể ăn các loại thực phẩm bổ sung khác. Sữa mẹ có chứa tất cả những chất dinh dưỡng bé cần cho 6 tháng đầu đời với tỷ lệ thích hợp. Thành phần của sữa mẹ thậm chí thay đổi theo nhu cầu của bé, đặc biệt là trong tháng đầu tiên sau khi bé chào đời.
 
Trong những ngày đầu sau sinh, bầu vú mẹ tạo ra một chất lỏng đặc và màu vàng nhạt hoặc trong được gọi là sữa non. Loại sữa này có nhiều đạm, ít đường và giàu các vi chất có lợi khác. Sữa non là loại sữa đầu tiên vô cùng bổ dưỡng, giúp hệ tiêu hóa chưa hoàn thiện của trẻ sơ sinh phát triển. Sau vài ngày, bầu vú mẹ bắt đầu tiết ra một lượng sữa lớn hơn vì dạ dày trẻ đã phát triển hơn.
 
Nếu nói về chất dinh dưỡng duy nhất mà sữa mẹ còn thiếu thì đó chính là vitamin D. Nếu mẹ không được cung cấp đủ lượng vitamin D thì sữa mẹ cũng không thể cung cấp đầy đủ vi chất này cho bé. Để bù đắp cho sự thiếu hụt này, các bác sĩ khuyến cáo bổ sung vitamin D dưới dạng nhỏ giọt khi bé được 2−4 tuần tuổi.
 
2. Sữa mẹ dễ hấp thụ hơn
Sữa mẹ được tạo để phù hợp với hệ tiêu hóa nhạy cảm và đang phát triển của trẻ. Protein (hầu hết là lactalbumin) và chất béo trong sữa mẹ giúp trẻ dễ hấp thụ hơn protein (chủ yếu chứa caseinogen) và chất béo trong sữa bò. Trẻ sơ sinh cũng dễ dàng hấp thụ các vi chất dinh dưỡng quan trọng trong sữa mẹ hơn so với sữa bò bởi các chất dinh dưỡng trong sữa bò được tạo ra dành riêng cho bê chứ không phải bé. Vậy nên trẻ bú sữa mẹ ít có khả năng bị đầy hơi và nôn mửa hơn.
 
3. Sữa mẹ rất an toàn
Một điều chắc chắn là sữa mẹ luôn duy trì một nhiệt độ ổn định, không bao giờ thiếu dưỡng chất, bị hư hỏng hoặc nhiễm độc tố (trừ trường hợp người mẹ mắc phải chứng bệnh ảnh hưởng tới sữa mẹ).
 
4. Nuôi con bằng sữa mẹ bảo vệ bé khỏi dị ứng
Trẻ sơ sinh dùng sữa bột có nguồn gốc từ sữa bò hay sữa đậu nành có xu hướng mắc phải các phản ứng dị ứng nhiều hơn trẻ sơ sinh bú sữa mẹ. Các nhà khoa học cho biết các yếu tố miễn dịch như kháng thể IgA tiết ra (chỉ có trong sữa mẹ) giúp ngăn ngừa tình trạng bé bị dị ứng với thức ăn bằng cách cung cấp một lớp màng bảo vệ đường ruột của bé.
 
Nếu không có sự bảo vệ này, các bệnh nhiễm trùng có thể phát triển và thành ruột của bé có nguy cơ bị bào mòn. Điều này cho phép các protein không tiêu hóa đi qua ruột và gây ra phản ứng dị ứng cũng như các vấn đề sức khỏe khác. Trẻ sơ sinh uống sữa bột không nhận được sự trang bị từ lớp bảo vệ này nên dễ bị nhiễm trùng, dị ứng và các bệnh thường gặp khác.
 
5. Sữa mẹ giúp làm dịu dạ dày của bé
Nhờ vào khả năng nhuận trường và dễ tiêu hóa tự nhiên nên trẻ bú sữa mẹ gần như không mắc bệnh táo bón. Tuy phân của bé khá lỏng nhưng bé sẽ ít bị tiêu chảy. Trên thực tế, sữa mẹ còn làm giảm nguy cơ khó tiêu bằng cách triệt tiêu những vi sinh vật có hại và hỗ trợ những vi sinh có lợi trong cơ thể bé.
 
6. Sữa mẹ giúp bé ít bị phát ban tã
Mồ hôi từ trẻ được bú sữa mẹ ít gây ra hiện tượng phát ban tã hơn, mặc dù lợi thế này (cùng với những mùi ít gây khó chịu khác) cũng sẽ biến mất khi bé đi ngoài ra tã.
 
7. Sữa mẹ giúp tăng cường hệ miễn dịch của bé
Ngay từ lúc bắt đầu được cho bú, bạn đã tăng sức đề kháng của trẻ bởi bé đã nhận được một lượng kháng thể để tăng cường khả năng miễn dịch của mình. Nhìn chung, bé sẽ ít bị cảm, nhiễm trùng tai và ít mắc các bệnh về đường hô hấp, tiết niệu và các bệnh khác hơn trẻ bú bình. Ngoài ra, nếu có mắc những bệnh này, bé sẽ nhanh khỏi hơn. Sữa mẹ cũng giúp cải thiện các phản ứng miễn dịch cho hầu hết các bệnh như uốn ván, bạch cầu và bại liệt. Ngoài ra, sữa mẹ còn có thể phần nào bảo vệ bé khỏi hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh (SIDS).
 
8. Sữa mẹ giúp cân bằng chất béo và ngăn ngừa tình trạng béo phì
Trẻ bú sữa mẹ thường ít trở nên mũm mĩm so với những bé bú bình. Nuôi con bằng sữa mẹ giúp trẻ tăng cân vừa phải và ngăn ngừa béo phì. Các nghiên cứu cho thấy rằng tỷ lệ béo phì sẽ thấp hơn 15−30% ở trẻ bú sữa mẹ. Khoảng thời gian cho con bú cũng rất quan trọng, vì mỗi tháng nuôi con bằng sữa mẹ giúp làm giảm nguy cơ bé mắc béo phì sau này lên đến 4%. Điều này có thể là do sự phát triển của các loại vi khuẩn khác nhau trong đường ruột. Trẻ bú sữa mẹ có số lượng lợi khuẩn trong ruột cao hơn nên có thể tác động đến cơ chế dự trữ chất béo của cơ thể.
 
Ngoài ra, hàm lượng calorie trong sữa cũng được kiểm soát hợp lý. Sữa mà mẹ tiết ra khi bé sắp ngừng bú có hàm lượng calorie cao hơn so với sữa lúc bé mới bắt đầu bú và sẽ khiến bé nhanh no hơn. Mặc dù vẫn chưa đủ dữ kiện nhưng nhiều ý kiến cho rằng ưu điểm cân bằng chất béo của sữa mẹ sẽ có tác dụng lâu dài cho tới quãng đời sau này của bé. Một số nghiên cứu cho thấy trẻ bú sữa mẹ nhiều sẽ ít bị thừa cân khi bước vào tuổi thiếu niên. Một lợi ích khác cho người mẹ là việc cho con bú sẽ góp phần làm giảm cholesterol và huyết áp trong giai đoạn sau này.
 
9. Sữa mẹ giúp bé phát triển trí não toàn diện
Sữa mẹ phần nào sẽ giúp tăng trí thông minh cho trẻ, ít nhất là đến khi bé được 15 tuổi hoặc có thể kéo dài tới giai đoạn bé trưởng thành. Có được điều này là nhờ lượng axit béo giúp phát triển não (DHA) trong sữa và sự tương tác giữa mẹ và bé khi bé được bú sữa mẹ.
 
Một số nghiên cứu cho thấy có sự khác biệt trong sự phát triển của trí não giữa một đứa trẻ bú sữa mẹ so với các bé bú sữa bột thông thường. Sự khác biệt này có thể là do sự gần gũi, tiếp xúc trực tiếp trên da thịt giữa mẹ và bé cũng như sự giao tiếp bằng mắt khi mẹ cho con bú. Các nghiên cứu chỉ ra rằng trẻ bú sữa mẹ có chỉ số thông minh cao hơn và ít có khả năng phát sinh các vấn đề về hành vi và học tập sau này khi bé lớn lên.
 
Tuy nhiên, những ảnh hưởng rõ rệt nhất được thấy ở những bé sinh non, đối tượng có nguy cơ cao gặp phải những vấn đề về sự phát triển. Nghiên cứu cho thấy rõ ràng rằng việc cho con bú có những tác động tích cực đáng kể đối với sự phát triển trí tuệ lâu dài của não bộ. Bởi vì sữa bột không chứa bất kỳ kháng thể nào giúp bảo vệ trẻ nhỏ nên những đứa bé không được bú sữa mẹ dễ gặp phải nhiều vấn đề về sức khỏe hơn như viêm phổi, tiêu chảy hay nhiễm trùng.
 
10. Việc bú mẹ có thể giúp bé cảm thấy vui thích
Một đứa trẻ vẫn có thể bú tiếp ngay sau khi đã no dù người mẹ hầu như không còn sữa. Tuy việc này không đem lại lợi ích về mặt dinh dưỡng nhưng bù lại nó rất hiệu quả nếu bé bị kích động (như quấy khóc) và cần phải làm dịu đi. Ngược lại, bé không thể tiếp tục bú một bình sữa đã cạn để dịu bớt tâm trạng được.
 
11. Bú sữa mẹ giúp bé phát triển cơ miệng
Các thiết kế khoa học dù có tốt đến đâu chăng nữa cũng không thể giúp trẻ luyện tập cơ hàm, nướu, răng và vòm miệng. Thế nhưng động tác mút núm vú khi bú sữa mẹ sẽ đảm bảo việc phát triển khoang miệng và xương cơ hàm để răng mọc sau này. Trẻ được nuôi bằng sữa mẹ cũng ít bị sâu răng hơn so với các trẻ khác.
 
Trên đây là những lợi ích khi các mẹ nuôi con bằng chính sữa của mình, hi vọng đem lại kiến thức và là nguồn tham khảo cho các mẹ bầu hay đang nuôi con bằng sữa mẹ.
 
Nguồn: Tổng hợp

Tin khác